|
Chủ
tịch Quốc hội : " Anh em thanh tra hay né tránh lắm, nên xử lý trách nhiệm
thì cứ đẩy lên cho Thủ tướng ".
Hoa Thịnh Đốn.- Phòng, chống Tham nhũng, Lãng phí ở VN vừa bước sang trang sử
mới: Nhà nước mời Đảng cùng làm nhưng ai làm và làm như thế nào thì chưa biết.
Đó là nội dung lời tuyên bố của Phan Văn Khải, Thủ tướng Chính phủ trước Quốc
hội ngày 2-12 (2004). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử đảng Cộng sản VN,một Thủ
tướng đã ra trước Quốc hội trả lời thắc mắc của người dân gửi tới Quốc hội và chất
vấn trực tiếp của trên 20 Đại biểu.
Các câu hỏi được tập trung vào các vấn đề lớn:" Tình trạng đầu tư dàn trải,
thất thoát, chậm giải ngân nguồn vốn trái phiếu và tiến độ thực hiện một số công
trình cụ thể; về cơ quan chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; tình trạng bê bối của
một số tổng công ty nhà nước và cách xử lý người có sai phạm; về cổ phần hóa
doanh nghiệp nhà nước tiến hành quá chậm. (Nhân Dân, 2-12-2004)
Theo Nhân Dân thì Khải nhìn nhận: "Nguyên nhân quan trọng của tình trạng yếu
kém, bất cập về quản lý nhà nước, về cải cách hành chính và chống tham nhũng nói
nhiều nhưng làm được ít là hệ thống hành chính, trước hết là những người đứng
đầu các ngành, các cấp, chưa thoát khỏi tình trạng bị cuốn hút vào công việc sự
vụ, giải quyết vụ việc, họp hành, lễ nghi quá nhiều, chưa dành đủ tâm sức, thời
gian cho những khâu then chốt thuộc chức năng quản lý nhà nước."
Khải nói: "Tuy mức độ có khác nhau nhưng ngay cả Thủ tướng, các Phó Thủ tướng
và các thành viên Chính phủ cũng lâm vào tình trạng đó."
Như vậy là vì bận họp hành, lễ nghi liên miên nên không còn thời giờ chống tham
nhũng chứ không phải Chính phủ không muốn chống tham nhũng? Về vấn đề này, ông
Võ Đức Lạng, một Nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghê. Việt nam đã nhờ
hãng tin VietnamNet đăng thư hỏi Phan Văn Khải :"Thưa Thủ tướng , tại sao
chúng ta đặt ra nhiều ngày "Truyền thống" như vậy? Lĩnh vực nào, ngành nào chúng
ta cũng có ngày "truyền thống". Trong những ngày đó thường tiêu tốn những
khoản tiền không nhỏ, mà hiệu quả đem lại - kể cả hiệu quả xã hội và hiệu quả
kinh tế - được bao nhiêu? Phải chăng chúng ta nên tổ chức thăm dò xã hội để có
thể rút ra những bài học bổ ích về tổ chức ngày "truyền thống". Song song
với ngày "truyền thống", còn có các ngày "kỷ niệm thành lập", "đón nhận huân
chương", hội họp sơ kết, tổng kết, phát động phong trào... chúng ta tốn bao
nhiêu thời gian, nhưng hiệu quả đem lại?! Theo các nhà kinh tế, đó là một sự
lãng phí khó tính toán nổi. Thủ tướng đã bao giờ cho các cơ quan chức năng tính
toán sơ bộ sự lãng phí này?" "Chúng ta ra chỉ thị, nghị quyết quá nhiều nhưng
hiệu quả không nhiều như mong muốn. Thêm vào đó các cấp ra chỉ thị, hô hào, phát
động... nhưng kiểm tra chưa đến nơi, đến chốn dẫn đến "đánh trống bỏ dùi",
"đầu voi đuôi chuột"... làm dân mất lòng tin! Chẳng hạn việc hội họp phong
bì quá nhiều, sử dụng xe công, sử dụng xe quá tiêu chuẩn..."xới" lên rồi
để đấy. Chính vì vậy càng ngày chỉ thị càng ít hiệu lực. Thủ tướng có thấy điều
đó? "
"Hội họp nhiều, hội thảo nhiều nhưng có nhiều việc rất bức thiết vẫn không
giải quyết được."
(Viê.tNamNet, 2-12-2004) Chữ "phong bì" mà ông Lạng dùng trong thư là nói
đến là các "bao thư đựng tiền " của cơ quan tổ chức lễ lạt trao cho quan
khách đến dự. Đây là việc làm công khai của các Cơ quan, Đoàn thể, Tổ chức của
Đảng và Nhà nước nhưng không thấy ai nói đó là những khoản tiền lãng phí, hối lộ.
Ngay Phan Văn Khải cũng chưa bao giờ ra lệnhg cấm chỉ tệ nạn này mà chỉ kêu gọi
tiết kiệm việc tổ chức tốn kém!
Đây là một hình thức "tham nhũng hợp pháp" không bi. Nhà nước nghiêm cấm nên cơ
quan nào cũng tìm cách bầy ra để cán bộ lãnh đạo cơ quan "có qua có lại" với
nhau. Ngoài các phong bì, còn phải kể đến các lẳng hoa của các viên chức và cơ
quan Đảng và Nhà nước gửi đến chúc mừng và các bữa nhậu tưng bừng kéo dài cũng
do ngân qũy Quốc gia đài thọ !
Chuyện này đang xẩy ra hàng tuần ở VN nhưng Nhà nước chưa bao giờ kiểm toán xem
số tiền tiêu phí cho các dịch vụ này là bao nhiêu.
Còn lời than "xới lên rồi để đấy" là ám chỉ đến các dịch vụ xây cất, làm đường,
sửa chữa cầu cống cũng đã biến thành một dịch vụ làm ăn giữa cán bộ trách nhiệm
và các công ty xây dựng. Thời gian xây dựng kéo dài bao nhiêu thì lợi lộc càng
to bấy nhiêu. Vậy phải chống tham nhũng như thế nào mới đem lại hiệu quả ? Từ
trước đến nay, việc này là trách nhiệm của Thủ tướng,của các Bộ trưởng và của
cán bộ đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Nhưng xem ra không thành công, không ai
chịu trách nhiệm nên đùn đẩy cho nhau. Vì vậy tham nhũng mỗi ngày mỗi lớn lên,
phình to ra và lan tràn khắp nơi. Bên Đảng thì bảo đó là trách nhiệm của Nhà nước
còn Nhà nước thì chỉ thị, ra lệnh thi hành nhưng cán bộ Đảng lại không nghe. Bên
Đảng thì quyền to hơn Nhà nước nên tuy cùng là một nhưng vì Đảng là một tập thể
và Nhà nước chỉ là một bộ phận của Đảng nên tiếng nói của Phan Văn Khải không bằng
tiếng nói của Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư và lời nói của Mạnh lại bé hơn quyết định
của 15 Ủy viên Bộ Chính trị !
Chạy vòng quanh
Vì vậy mà đã có ý kiến phải thay Pháp lệnh chống tham nhũng bằng một Bộ Luật và
phải có một cơ chế thống nhất, đủ mạnh để phối hợp chống tham nhũng. Khải nói
với các Đại biểu : "Vấn đề được đặt ra từ lâu, nhưng ý kiến chung trước đây cho
rằng bản thân Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác
này nên không cần thành lập ban chỉ đạo riêng. Nay thực tiễn cho thấy, muốn nâng
cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong điều kiện Đảng cầm quyền, rất cần
phân công một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chịu trách nhiệm hình thành cơ
quan chỉ đạo và điều phối tất cả các cơ quan của hệ thống chính trị có chức năng
trực tiếp làm công tác này (không thành lập cơ quan chuyên trách mới), nhưng khi
cần có thể trưng tập cán bộ thực hiện chuyên án". (Báo Lao Động, 3-12-2004)
Tại sao lại lỉnh kỉnh như vậy ? Đã có ý lập "Một ban chỉ đạo riêng" hỗn hợp nhân
sự của Đảng và Nhà nước để đánh tham nhũng mà lại không cần "thành lập cơ quan
chuyên trách mới" thì ai bảo ai nghe và ai làm ? Và tại sao lại chỉ làm "khi
cần", trong khi tham nhũng của cán bộ, đảng viên là căn bệnh thường xuyên và
thời nào cũng có.
Đỗ Mười, khi còn làm Tổng Bí thư đảng (khoá VII) đã gọi tệ nạn tham nhũng là "quốc
nạn". Qua đến khoá VIII, dưới thời Lê Khả Phiêu tham nhũng lại bành trướng hơn
lên khiến Phiêu phải báo cáo tại Đại hội đảng lần IX (4-2001) : "Tình trạng tham
nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không
nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng. Nạn tham nhũng kéo dài trong bộ máy
của hệ thống chính trị và trong nhiều tổ chức kinh tế là một nguy cơ lớn đe dọa
sự sống còn của chế độ ta. Tình trạng lãng phí, quan liêu còn khá phổ biến" .
Đến khi Nông Đức Mạnh lên thay Phiêu thì tham nhũng lại mạnh thêm, công khai hơn
ngay cả ở cấp Trung ương như vụ Tổng công ty Dầu khí, Bộ Nông nghiệp, Thủy sản,
và gần đây là ở bộ phận phân bổ quota dệt may ở Bộ Thương mại.
Tất cả nhưng cơ chế này đều thuộc quyền "chỉ huy" của Khải nên Khải đã bị cả
trong lẫn ngoài Đảng chỉ trích thiếu khả năng phòng, chống tham nhũng, không có
biện pháp ngăn chặn lãng phí và không dám cách chức các viên chức lãnh đạo bị tố
cáo tham nhũng.
Khải nhìn nhận trong cuộc chất vấn : ""Là người đứng đầu Chính phủ, tôi nhận rõ
trách nhiệm của mình và rất coi trọng tìm hiểu nguyên nhân, rút kinh nghiệm từng
trường hợp để làm tốt hơn nữa công tác lựa chọn, bồi dưỡng, kiểm tra, khen thưởng,
kỷ luật cán bộ." (Báo Nhân Dân, 2-12-2004) Nhưng Khải lại nói đây không phải là
trách nhiệm của một cá nhân mà là của tập thể : " Đây cũng là bài học trách
nhiệm và bài học chung của tập thể lãnh đạo Đảng và Nhà nước vì bổ nhiệm cán bộ
cao cấp đều qua nhiều cơ quan xem xét, thảo luận tập thể, có trường hợp phải
trình QH thông qua...". (Nhân Dân, 2-12-2004) Trong cái tập thể bùng nhùng này
còn có cả Mặt trận Tổ quốc do Phạm Thế Duyệt đứng đầu. Đây là câu trả lời có
tính chiến lược của Khải vì Khải chỉ là một thành phần của Ban lãnh đạo Đảng và
được đề cử đứng đầu Chính phủ (Nhà nước) để thi hành quyết định của tập thể nên
nếu có ai đó bê bối thì cả Tập thể phải chịu trách nhiệm tìm cách xử lý chứ
không chỉ một mình Khải.
Khải nói: "Vấn đề này hàng năm, Chính phủ đã có báo cáo trước QH đã làm được gì,
chưa làm được gì, khuyết điểm ra sao. Nhiều năm qua, trong cương vị của mình,
bao giờ tôi cũng tìm khuyết điểm để khắc phục.
Thành tích thì mình nói ít, nhưng cái gì tồn tại, khuyết điểm thì phải tìm cho
rõ để khắc phục. Đối với cán bộ thì ưu điểm là cơ bản. Giữ đúng nguyên tắc, đạo
đức, phẩm chất, kỷ cương nguyên tắc của Đảng thì cán bộ đó được biểu dương, ai
làm trái thì phải đưa ra khỏi bộ máy."
Trả lời thắc mắc Thủ tướng có quyền cách chức cán bộ bê bối, tham nhũng không ?
Khải đáp : "Trước đây, xuất hiện một số địa phương đã xảy ra tình trạng "trên
bảo dưới không nghe", bây giờ các đồng chí ở địa phương đó đã khắc phục rồi.
Không phải mọi việc Thủ tướng nói mà dưới không nghe. Nếu như các đồng chí phát
hiện ở địa phương nào vẫn còn tình trạng đó, các đồng chí báo tôi, tôi sẽ có kỷ
luật ngay". Tờ Nhân Dân viết tiếp : " Một số đại biểu chất vấn về các vụ tham
nhũng đã phát hiện ở một số tổng công ty nhà nước một số công trình xây dựng
bằng vốn nhà nước. Về từng vụ cụ thể thuộc lĩnh vực quản lý của bộ nào, đồng chí
bộ trưởng của bộ ấy sẽ trả lời. Thủ tướng khẳng định một lần nữa thái độ của
lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những người sai phạm và người bao che cho sai
phạm, bất kể ở cương vị nào, là xử lý nghiêm minh theo đúng luật và công bố công
khai. Nghiêm nhưng phải minh, phải điều tra, kết luận rõ ràng, có chứng cứ. Điều
này không đơn giản, dễ dàng đối với các vụ tham nhũng. Những vụ đã điều tra rõ
đều đưa ra xét xử công khai.
Nhưng cơ quan điều tra làm việc ra sao, Nhân Dân (ngày 2-12-2004) tường thuật
tiếp:" Thủ tướng cho rằng, lâu nay, công việc kiểm tra, thanh tra của cơ quan
hành chính nặng về xem xét việc dân chấp hành thể chế; việc này còn phải tiếp
tục làm tốt hơn nữa. Song đáng chú ý là chưa quan tâm thường xuyên tới việc cơ
quan chính quyền và công chức thực hiện thể chế mà chỉ khi phát hiện có vấn đề
vi phạm mới tổ chức kiểm tra, thanh tra. Đây là một nguyên nhân khiến cho việc
thực hiện thể chế không nghiêm, kỷ luật công vụ lỏng lẻo và những sai phạm của
cán bộ, công chức, nhất là những vụ tham nhũng, không được phát hiện kịp thời từ
trong nội bộ cơ quan."
À thì ra thế, từ bấy lâu nay cơ quan thanh tra, điều tra của Nhà nước chỉ nhằm
dân mà đánh còn cán bộ, đảng viên thì bỏ qua !
Lửng lơ cá vàng
Điều này đã được Quách Lê Thanh, Tổng Thanh tra Chính phủ chứng minh đầy kịch
tính ỡm ờ, lửng lơ con cá vàng, khi trả lời chất vấn của Quốc hội.
Báo Tuổi Trẻ ngày 2-12-2004 viết : "Đại biểu Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Quảng Ngãi)
hỏi thẳng: "Ngay ở cấp trung ương vừa qua cũng xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn,
thất thoát nhiều tiền của và làm nhân dân mất lòng tin. Nhiều vụ việc tiêu cực
kéo dài nhưng không được phát hiện, ngăn chặn. Có phải do ở cấp trung ương
nên... khó quá, thanh tra làm không được?"
"Tổng thanh tra Quách Lê Thanh nói: hai năm làm tổng thanh tra ông luôn đau đáu
chuyện... thanh tra nhưng đúng là cũng có cái khó: đâu phải chuyện gì thanh tra
cũng biết. Ông nhận trách nhiệm nhưng cũng lôi thêm vài người khác vào cuộc:
"Người đứng đầu đơn vị cũng có trách nhiệm nữa...".
"Đại biểu Ánh Tuyết chưa chịu: "Trách nhiệm của người đứng đầu thì rõ rồi. Tôi
muốn hỏi ngành thanh tra đã làm hết trách nhiệm mình chưa mà để tiêu cực, tham
nhũng kéo dài nhiều năm, đến chừng lớn chuyện rồi mới phát hiện ?".
"Ông Quách Lê Thanh bảo vệ ý kiến của mình: Thanh tra biết mà không làm thì
trách nhiệm thuộc về thanh tra, bởi thanh tra không thể hiểu hết nội tình của
từng đơn vị được! "Tuy nhiên nhiều việc dây dưa nhiều năm mà không phát hiện thì
thanh tra cũng có trách nhiệm" - ông lại thừa nhận..."
Theo phóng viên Đặng Đại của Tuổi Trẻ thì bất ngờ Nguyễn Văn An, Chủ tịch Quốc
hội tham gia chất vấn Quách Lê Thanh :" Tôi thường nghe thanh tra hay né tránh
việc đề xuất xử lý trách nhiệm cá nhân. Nghe nói là mức xử lý đó bên thanh tra
hay "để dành" cho Thủ tướng lắm. Xin tổng thanh tra cho biết?"
Thanh đáp :" Chúng tôi tự nhận là có nghiêm... Nhưng thật sự nghiêm túc chưa,
kiên quyết chưa thì cũng còn... cân nhắc, bởi vì có điều cần phải cân nhắc...
(Tổng thanh tra Quách Lê Thanh tỏ ra cân nhắc một chút rồi nói ngay) Đó là
thường những đồng chí mà chúng tôi đề nghị xử lý kỷ luật thuộc diện Ban Bí thư
và Bộ Chính trị quản lý thì phải làm thủ tục từ dưới cơ sở lên..."
Đặng Đại viết tiếp : " Hội trường Ba Đình thoáng xôn xao. Chủ tịch Nguyễn Văn An
ngắt lời:" Tôi không nói đến thẩm quyền quyết định mà là nói đến cấp tham mưu:
đã đề xuất sát chưa, nghiêm chưa?"
Thanh : " Từ nhận thức của mình tôi cho là nghiêm. Chúng tôi đã mạnh dạn đề xuất
(hình thức kỷ luật tương ứng với trách nhiệm cá nhân). Có thể có trường hợp chưa
tương ứng với khuyết điểm thì chúng tôi cố gắng tiếp tục khắc phục tiếp."
An thắc mắc hỏi lại :" Ngay Thủ tướng Phan Văn Khải cũng nói "báo cáo rất nhiều
nhưng anh em thanh tra hay né tránh lắm, nên xử lý trách nhiệm thì cứ đẩy lên
cho Thủ tướng".
"Báo với QH là thông thường thì nể nang, né tránh là cái rất yếu của hệ thống
hành chính chúng ta. Ngay báo cáo của tổng thanh tra nói về trách nhiệm của thủ
trưởng đơn vị hoặc người đứng đầu địa phương cũng đã thể hiện điều đó. Cho nên
đây là vấn đề mà QH quan tâm: phần trách nhiệm."
Nguyễn Văn An khôi hài kết luận: " Rất mong qua kỳ chất vấn này thì ngành thanh
tra chúng ta được xây dựng mạnh. Và nói "văn nghệ" một tí thì cán bộ thanh tra
tâm phải sáng như Bao Thanh Thiên; mắt phải xanh như Tôn Ngộ Không; và không có
ai tham ăn như Trư Bát Giới!..."
Đó là tất cả chuyện hỷ, nộ,ái,ố chống tham nhũng của Cộng sản VN vừa được phơi
bày ở Quốc hội trong kỳ họp khoá 6 kéo dài từ ngày 25-10 đến 3-12-2004. Bây giờ
"trái banh chống tham nhũng" đã được Khải đá về phần sân của Đảng và đòi Đảng
phải ra tay. Đảng sẽ làm gì thì còn phải chờ, nhưng nếu cứ chống tham nhũng theo
lối trọng tài của Tổng thanh tra Quách Lê Thanh thì trái banh sẽ còn chạy lòng
vòng liên tu bất tận.
|