|
Đất Việt |
Kính chào bạn đọc, vận động và hổ trợ tinh thần Dân Chủ Đa Nguyên vì tương lai Việt Nam |
Làm sao tránh thất thoát trong đầu tư xây dựng ? |
|
Vai trò của Quốc hội Việt Nam ngày càng quan trọng hơn vì có những bức xúc mà dân không biết kêu vào đâu ngoài cơ quan lập pháp này. Trong kỳ họp thứ 6 sắp diễn ra vào ngày 25 tháng Mười, một trong những vấn đề được công luận chú ý nhất là việc Quốc hội bàn cách chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Cũng như người dân, các đại biểu Quốc hội không khỏi bức xúc khi mỗi ngày nghe những vụ lãng phí, tham ô hàng chục tỷ đồng một cách khéo léo. Tình trạng chungCông quỹ tốn biết bao nhiêu tiền của để rồi nhiều công trình xây dựng trọng điểm không mang lại lợi ích nào, vì quy hoạch sai cũng có, mà vì thi công láo cũng có. Người dân chưa quên tình trạng hầm chui Văn Thánh, hay sụt lún tuyến ống, kho, cảng Thị Vải, hay nhà máy đường Linh Cảm ở Hà Tỉnh xây xong không có nguyên liệu mía nên phải di chuyển....Nhiều dự án xây dựng vẫn được xúc tiến dù không có nhu cầu thực tế như các chợ đầu mối Đền Lừ, Hải Bối ở Hà Nội, tốn hàng chục tỷ đồng làm xong vắng như chùa bà Đanh..... Một giới chức miền Nam đã phải thừa nhận rằng tình trạng đó đã diễn ra quá lâu, quá quen rồi... "Tôi nghĩ rằng đây là tình trạng chung, chứ không riêng gì xây dựng giao thông cầu đường đâu. Ông thấy là các công trình xây dựng lớn nhỏ ở Việt Nam hiện nay vừa qua là đều như thế..." " Móc ruột "Theo nghiên cứu của bộ Xây dựng thì việc thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng xảy ra ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, quyết định đầu tư, khảo sát thiết kế, đấu thầu thi công, nghiệm thu công trình....Tuy nhiên bộ khẳng định rằng thất thoát lãng phí lớn nhất là ở khâu quy hoạch và quyết định đầu tư, và tuy chưa có số liệu chính thức, nhưng các chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng lãng phí ở khâu quyết định đầu tư chiếm từ 60 đến 70% tổng số thất thoát. Và đây là khâu của các quan chức có quyền, có thế. Ông Đào Duy Quát, phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, từng cho biết có công trình bị móc ruột tới 54% hay thậm chí lãng phí cả 100% như công trình Nhà hát Chèo Hà Nội, chưa sử dụng được một ngày nào đã phải phá đi xây lại. Có lần trong phiên họp Quốc hội, chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tráng A Pao cho biết ông đã từng làm nên biết việc chạy dự án đầu tư xây dựng. "Trên" gợi ý cho "dưới" lên xin. Dự án 10 tỷ nhưng chỉ được mang về địa phương 8 tỷ, còn 2 tỷ để lại cho "trên". Dự án phần lớn là mang ý nghĩa phát triển hạ tầng cơ sở, phát triển kinh tế xã hội, thế nhưng thực chất là tiền, là cơ hội để "móc ruột" công trình. Vì thế mà có vô số những sân thế dục, ký túc xá sinh viên, trường học, chợ búa...xây xong vẫn không sử dụng được. Có thay đổi ?Thế nhưng quy trách nhiệm cho người ra quyết định đầu tư thì vấn đề không mới, nhưng việc thực hiện hầu như không thể được. Trừ những vụ bắt tận tay, day tận mặt như ở ngành dầu khí, còn phần lớn các vụ khác thì người ra quyết định đã về hưu, hay đã "hạ cánh an toàn" chuyển công tác khác.... Hiện nay, ngoài một số vụ việc chưa thể giải quyết như ở Tổng côngty Bưu chính-Viễn thông, còn nhiều vụ nổi cộm đã được phát hiện và xử lý như trong ngành dầu khí, ở bộ Thương mại... Các diễn tiến đó đã được dư luận khen ngợi như lời xác nhận của một giới chức SàiGòn. "Phải nói là gần đây cũng có những chuyển biến trong chuyện quản lý, trong quá trình chuẩn bị đầu tư cho đến công việc lập dự án, thiết kế, kể cả quá trình thi công..." Kỳ này, trong nghị trình kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa 11, dư luận đặc biệt mong đợi sẽ có những biện pháp cứu chữa sớm được đưa ra. Cụ thể là làm sao đáp ứng được các yêu cầu về tính minh bạch, công khai hóa quy trình đầu tư, thực hiện cạnh tranh đấu thầu, tư vấn, giám sát....Giải pháp lâu dài là cần tách các doanh nghiệp ra khỏi sự quản lý của các bộ, ngành, thông qua cổ phần hóa và để các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư xây dựng cơ bản. |
|